Phản Lương Hầu Cảnh

Dưỡng hổ thành giặc

Sau khi vượt sông Hoài, Cảnh không biết phải đi đâu, Mã Đầu thú chủ Lưu Thần Mậu của Lương cùng Nam Dự Châu Giám châu sự Vi Ảm (con Vi Duệ) bất hòa, nên giục ngựa đến tìm Cảnh, khuyên Cảnh cướp lấy thành Thọ Dương, còn nói: "Triều đình mừng Vương về nam, ắt không trách đâu!" Cảnh mừng lắm, làm theo kế ấy, đến Thọ Dương, gặp Ảm mặc giáp đứng trên thành. Cảnh nói với Thần Mậu: "Việc không xong rồi!" Thần Mậu đáp: "Ảm hèn nhát lại kém khôn, có thể thuyết phục được!" Cảnh bèn sai Dự Châu tư mã Từ Tư Ngọc trong đêm vào thành thuyết phục, Ảm bèn mở cửa cho Cảnh vào. Cảnh bắt được Ảm, mấy lần muốn chém, mãi mới tha cho. Rồi sai Vu Tử Duyệt dâng biểu nhận tội thua trận, tự xin biếm tước. Có chiếu không cho, được thụ Nam Dự Châu thứ sử, quan chức như cũ.

Tháng 2 năm Thái Thanh thứ 2 (548), Đông Ngụy sau khi giành lại Huyền Hồ, muốn thông qua Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh giao hảo với nhà Lương. Cảnh nghe tin thì nghi hoặc, lại biết triều đình sai sứ đến Ngụy, thì đâm ra sợ hãi, Vương Vĩ cho rằng hoặc bó tay chịu chết, hoặc làm loạn chịu chết, giục Cảnh đưa ra quyết định. Cảnh vì thế hạ quyết tâm khởi binh. Cảnh bắt tất cả cư dân trong thành Thọ Xuân làm lính, dừng mọi công việc buôn bán, cấy cày, buộc trai gái trăm họ gia nhập quân đội. Cảnh xin mấy vạn xúc gấm may áo cho binh sĩ. Chu Dị cho rằng gấm của Ngự phủ (tức Hoàng đế) là để ban thưởng, không phải là để may nhung phục, nên đổi giao cho vải xanh. Cảnh lại cho rằng binh khí của triều đình có chất lượng kém, xin cho thợ rèn Đông Dã [2] đến làm lại, triều đình cũng cấp cho. Cảnh từ khi về nam, nhiều lần đưa ra yêu cầu, triều đình chưa từng từ chối.

Nguyên Trinh biết Cảnh muốn làm phản, tâu xin về triều. Cảnh nói: "Sắp định Giang Nam, sao lại thiếu nhẫn nại vậy!?" Trinh càng sợ, bỏ trốn về Kiến Khang [3], không dám nói việc này ra. Hợp Châu thứ sử Bà Dương vương Tiêu Phạm trấn Hợp Phì, Ti Châu thứ sử Dương Nha Nhân đều tâu rằng Cảnh có ý khác, Lãnh quân Chu Dị nói: "Hầu Cảnh có mấy trăm tên phản quân, sao làm loạn được?" rồi giữ lại không tâu lên, lại còn ban thưởng thêm. Cảnh dâng biểu can ngăn việc hòa giải Lương – Ngụy, tỏ thái độ hỗn xược, lời lẽ không đúng mực. Lương Vũ đế không thừa nhận cũng không phủ nhận, gọi mình là chủ, Cảnh là khách, cho rằng khách có gì không hài lòng, là lỗi không chu đáo ở chủ. Cảnh thấy Vũ đế tuy lời lẽ hòa nhã, nhưng ý tứ lạnh nhạt, lại biết Lâm Hạ vương Tiêu Chánh Đức oán vọng triều đình, ngầm cho người đến liên kết. Chánh Đức nhận làm nội ứng.

Thẳng tiến Kiến Khang

Bài chi tiết: Loạn Hầu Cảnh

Làm chiếu tự phong

Tháng 11 năm Thái Thanh thứ 2 (548), Cảnh tự làm Tướng quốc, Thiên trụ tướng quân.

Sau khi khống chế triều đình nhà Lương, Hầu Cảnh tự ý làm chiếu, mượn danh nghĩa của Lương đế phong tước, tiến chức cho thủ hạ của mình. Tam công có đến vài mươi người, nghi đồng còn nhiều hơn nữa. Đương nhiên, Cảnh nhiều lần làm chiếu tự phong cho mình.

Tháng 3 năm Thái Thanh thứ 3 (549), Cảnh đóng quân ở Tây Châu, làm chiếu đại xá, tự làm Đại đô đốc, Đô đốc trung ngoại chư quân, Lục thượng thư sự, còn Thị trung, Sứ trì tiết, Đại thừa tướng, Vương tước như cũ.

Tháng giêng năm Đại Bảo đầu tiên (550), Cảnh làm chiếu tự gia ban 400 giáp sĩ, cấp trước sau 2 bộ nhạc Vũ Bảo, Cổ Xuy, đặt tả hữu trưởng sử, 4 Tòng sự trung lang.

Tháng 4 năm Đại Bảo đầu tiên (550), Cảnh lại làm chiếu tự tiến vị làm Tướng quốc, phong Hán vương, lấy 20 quận Thái Sơn làm thực ấp, vào triều không rảo bước, vái lạy không xưng tên, được mang kiếm lên điện, như Tiêu Hà đời Hán.

Tháng 10 năm Đại Bảo đầu tiên (550), Cảnh làm chiếu cho phép gia hiệu Vũ trụ đại tướng quân, Đô đốc lục hợp chư quân sự. Nhưng việc này chưa tiến hành.

Tháng 10 năm Đại Bảo thứ 2 (551), Cảnh làm chiếu, tự gia lễ Cửu Tích, đặt trăm quan dưới quyền thừa tướng. Lại làm chiếu truy tặng tổ tiên làm Đại tướng quân, Thừa tướng.

Tùy ý phế lập

Tháng 11 năm Thái Thanh thứ 2 (448), Cảnh đưa Tiêu Chánh Đức lên ngôi ở Nghi Hiền đường, đổi niên hiệu là Chánh Bình. Chánh Đức lấy con gái ông làm vợ.

Sau khi chiếm được Đài thành, giáng Tiêu Chánh Đức làm Thị trung, Đại tư mã, bá quan đều được phục chức.

Tháng 5 năm Thái Thanh thứ 3 (449), Vũ đế băng ở điện Văn Đức. Cảnh giữ kín không phát tang, quàng ở điện Chiêu Dương, quan lại bên ngoài đều không biết. Hơn 20 ngày sau, đưa quan tài lên gian trước của điện Thái Cực, đón Tiêu Cương lên ngôi, là Lương Giản Văn đế. Sau đó làm chiếu xá cho nô tỳ có gốc gác phương bắc, thu dùng tất cả bọn họ.

Tháng 6, Cảnh giết Tiêu Chánh Đức ở Vĩnh Phúc tỉnh.

Tháng giêng năm Đại Bảo thứ 2 (551), Cảnh bèn phế Giản Văn đế. Vương Vĩ khuyên ông lên ngôi, Quách Nguyên Kiến cố can, bèn đưa Dự Chương vương Tiêu Đống (con Ai thái tử Tiêu Thống) lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chánh.

Tháng 10, Cảnh sai Vệ úy Bành Tuấn, Vương Tu Toản dâng rượu chuốc say Giản Văn đế, rồi dùng túi đất đè chết.

Tháng 11, tự gia các thứ phục sức, xe cộ, nghi thức dành cho hoàng đế, đều theo Hán lễ. Làm chiếu để Tiêu Đống nhường ngôi, giáng làm Hoài Âm vương; đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Thái Thủy; truy tôn ông nội là Hầu Chu làm Đại thừa tướng, cha là Hầu Tiêu làm Nguyên hoàng đế.

Chết không toàn thây

Sau khi Hầu Cảnh thua chạy khỏi Kiến Khang, Vương Tăng Biện sai Hầu Thiến soái quân đuổi theo. Cảnh đến Tấn Lăng, rồi đi Ngô Quận, tiếp đến là Gia Hưng, Triệu Bá Siêu chiếm cứ Tiền Đường chống lại. Cảnh lui về Ngô Quận, đến Tùng Giang, thì quân Hầu Thiến đuổi kịp. Quân của Cảnh chưa bày trận, đều dựng cờ hiệu xin hàng. Cảnh không thể ngăn được, bèn cùng vài chục người tâm phúc bỏ chạy, ném hai con xuống nước, từ Hỗ Độc ra biển.

Tháng 4, đến Hồ Đậu châu, bị Thái tử xá nhân (tiền nhiệm) Dương Côn giết chết, gởi thây đến Vương Tăng Biện ở Kiến Khang, truyền đầu về Giang Lăng. Thây bị phơi ở chợ, trăm họ tranh nhau ăn sống; đốt xương thành tro, hòa rượu mà uống. Đầu bị bêu ở chợ, sau đó bị nấu rồi đem sơn, cất vào Vũ khố.